Những bất cập trong việc quy định về các trường hợp thu hồi đất
Tại khoản 1, Điều 64 Luật đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Trong thực tiễn đã buộc lộ một số hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác thu hồi đất; một số địa phương do hiểu và áp dụng không thống nhất các quy định của pháp luật về thu hồi đất nên lúng túng trong việc giải quyết .
Tại khoản 1, Điều 64 Luật đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
- Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
- Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
- Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
- Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
- Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
- Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
- Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
- Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Thứ nhất, theo quy định của Luật đất đai năm 2013 quy định thì việc “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai” đã liệt kê những trường hợp thu hồi đất, nhưng vẫn không rõ và không hợp lý, dẫn đến không thực thi được trên thực tế. Theo đó, việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này quy định việc sử dụng đất không đúng mục đích được nhà nước giao. Vậy, nếu người nông dân một được giao đất để trồng lúa nhưng do thu nhập không cao bằng trồng những cây hàng năm khác thì xét theo luật cũng là trái mục đích, tuy nhiên khó có thể liệt vào trường hợp bị thu hồi, khó khăn cho địa phương thực hiện nhiệm vụ này. Về bản chất, tại địa phương khuyến khích người nông dân trồng những cây tạo ra thu nhập tốt, hiệu quả và đạt năng suất. Việc quy định chung chung về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai sẽ gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Do đó, cần những nhà làm luật có những quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa về việc sử dụng đất trái mục đích để những người thi hành pháp luật áp dụng đúng trường hợp thu hồi đất do sử dụng đất không đúng với mục đích được Nhà nước giao.
Thứ hai, tại điểm c khoản 1 Điều này thì việc Nhà nước thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai đối với “đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng”… Tuy nhiên, tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật này quy định đối với những trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận “…trừ trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Như vậy, đối với những đối tượng nằm trong khoản 2 Điều 106 này cũng sẽ không bị thu hồi đất. Tại Khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn “Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Việc quy định này chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất, dễ gây ra nhiều cách hiểu (trên quy định thu hồi đất đối với truờng hợp đất giao, cho thuê không đúng đối tượng, dưới lại quy định không được thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật đối với người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất) và áp dụng khác nhau; đây cũng là nguyên của nhiều cuộc tranh chấp, khiếu nại kéo dài. Do vậy, đề nghị Chính phủ, các nhà làm luật nên kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể và thống nhất quy định về đối tượng, trường hợp không thu hồi đất cũng như Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận trái luật.
Thứ ba, việc quy định thu hồi do ”người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước” không được quy định cụ thể. Bên cạnh đó nghị định, thông tư hướng dẫn Luật đất đai năm 2013 cũng không được quy định cụ thể chi tiết về việc này. Do vậy, các cơ thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai sẽ không thể xác định được cơ sở nào để ”xử phạt vi phạm hành chính” đối với ”người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”. Điều này cũng là một trong những khó khăn đối với cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai và người thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai. Từ đó, nên có những quy định cụ thể, chi tiết về việc xử lý vi phạm hành chính đối với ”người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước” vào trong Nghị định, thông tư nhằm đảo bảo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất đối với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành.
HÃY LIÊN LẠC VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NAM HÀ NỘI - HSLAWS
Tầng 22, Tòa nhà Viwaseen, số 48 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại VP: 024 3724 6666 ; Di động: 0905746666
BÀI VIẾT LIÊN QUAN